Cô gái khởi nghiệp du lịch cộng đồng thành công chỉ từ 100 USD
Ngoài ra, Liên cũng là đại diện của Việt Nam tham dự các diễn đàn quốc tế về doanh nghiệp xã hội, nhiều sáng kiến của Liên đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận như mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tặng xe đạp cho học sinh vùng sâu, vùng xa, cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo…
Nữ giám đốc trẻ tuổi ấy là Nguyễn Thị Hương Liên (24 tuổi, quê Quảng Trị) và tour của cô có tên rất ấn tượng: “I love Hue” (Tôi yêu Huế). Năm nay, Liên cho ra đời tour du lịch “I love Hoi An” và mở một quán cà phê dành cho người câm điếc.
* Là nữ giới, lại là người ngoại tỉnh và lập tour du lịch “I love Hue” khi còn là sinh viên năm 3, bạn đã đối diện với những khó khăn nào?
– Vấn đề đầu tiên là tiền. Để có tiền duy trì tour, tôi phải đi làm thêm ở các nhà hàng dành cho người nước ngoài, làm cho một công ty du lịch Anh và làm trong các dự án phi chính phủ để kiếm thêm thu nhập và hoàn thiện sản phẩm của mình.
Ban đầu tôi tự mò mẫm rồi học hỏi mọi người để lập website giới thiệu và quảng bá tour của mình trên mạng.
Những ngày đầu đi giới thiệu sản phẩm, các công ty du lịch, khách sạn không ủng hộ ý tưởng này vì họ nghĩ tôi còn quá trẻ để đưa ra một sản phẩm du lịch đặc biệt của Huế. Tôi thất vọng, nhưng cũng chính vì sự tuyệt vọng của những ngày gian khó đó đã làm tôi mạnh mẽ hơn, tiếp tục đi một mình bằng việc tìm tòi, học hỏi qua mạng.
Niềm vui lớn nhất của tôi là khi gia đình ông Layton Pike, công sứ và phó đại sứ Đại sứ quán Úc tại VN, đặt tour của chúng tôi khi đến Huế thay vì chọn những tour có thương hiệu.
* Bạn học quan hệ quốc tế (ĐH Ngoại ngữ Huế) nhưng lại khởi nghiệp trong ngành du lịch, liệu bạn có đi bước đi mạo hiểm?
– Người ta nói đa số nghề chọn người, hiếm khi là người chọn nghề. Du lịch cộng đồng đã chọn tôi, bừng sáng trong tôi ý tưởng giúp đỡ cộng đồng từ chính hoạt động du lịch. Ai cũng nói tôi là một cô gái mạo hiểm khi khởi nghiệp năm 21 tuổi với số vốn 100 USD.
Tôi không lý giải được nhưng khi ý tưởng nảy ra thì tôi chỉ muốn làm hết sức và không nghĩ đến chuyện thất bại. Tôi đam mê với nó và tự động viên bản thân phải nỗ lực hằng ngày để đạt mục tiêu. Tôi yêu Huế, tôi muốn mỗi du khách đến Huế đều nói câu đó bằng tình yêu thực sự.
Tôi muốn đưa tour này đến các thành phố khác để du khách quốc tế sẽ nói yêu thành phố đó và rồi họ sẽ nói “Tôi yêu Việt Nam” bằng chính trái tim, bắt đầu từ Huế, đến Hội An, Sài Gòn rồi Hà Nội và mở rộng ra các nước.
Không chỉ hướng dẫn du khách bình thường, tôi còn thuê những người câm điếc đến dạy ngôn ngữ ký hiệu cho nhân viên công ty để mở những tour du lịch đặc biệt cho những người không được may mắn nhưng vẫn có khát khao khám phá thế giới.
* Công ty của bạn có 25 nhân viên nhưng chỉ có hai nhân viên nam, phải chăng bạn dành một sự ưu tiên đặc biệt đối với nữ giới?
– Tôi được làm việc với người nước ngoài từ rất sớm, được đi các nước, làm cho tôi mở mang và thấy mình trở nên năng động hơn. Với phụ nữ Việt Nam, phần lớn họ quá phụ thuộc vào đàn ông và ít có cơ hội tự lập, thường e sợ cái này, cái kia.
Do đó, tôi tuyển nhân viên chủ yếu là nữ giới với mong muốn mình có thể góp một phần cho nữ sinh viên ở Huế có thể trở nên năng động hơn.
Ngoài ra, tôi cũng muốn các bạn hiểu ra được giá trị của cuộc sống là tạo nên những giá trị cho cộng đồng, cống hiến vì cộng đồng. Tôi muốn truyền đi cho các nữ sinh ở Huế ngọn lửa đam mê trong cuộc sống bằng chính hoạt động của bản thân.
* Bạn trích 20% lợi nhuận của công ty để chia sẻ với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động do chính du khách cùng nhân viên công ty thực hiện. Tại sao bạn lại chọn hướng đi của doanh nghiệp gắn với các hoạt động cộng đồng, điều mà ít công ty khởi nghiệp thực hiện?
– Từ năm lớp 12, tôi đã tham gia tổ chức phi chính phủ, đóng vai là một nữ sinh có thai, đến các bệnh viện tại Quảng Trị để khảo sát cách tư vấn của các cơ quan y tế trước vấn đề có thai vị thành niên. Những năm đại học tôi trở thành tình nguyện viên của nhiều dự án, tổ chức phi chính phủ, nhờ vậy tôi hiểu được trong cộng đồng vẫn còn rất nhiều người cần giúp đỡ.
Từ đó, khi mở công ty, trong tour tham quan Huế luôn có những trải nghiệm gắn với cộng đồng. Tôi muốn những giá trị mình mang lại có thể đem nụ cười đến cho mọi người và tôi cũng hạnh phúc khi làm được điều gì đó cho xã hội.
*Hiện nay không ít bạn trẻ ngại tự lập, ngại va chạm và thích sống trong “vỏ bọc” của cha mẹ, còn bạn thì ngược lại?
– Gia đình không hề hay biết tôi làm giám đốc công ty, chỉ biết tôi làm về du lịch và thường xuyên tham gia các hội nghị quốc tế. Tôi thấy giới trẻ nên tự lập, làm những gì mình mong muốn và cảm thấy hạnh phúc.
Hãy mang lại những giá trị cho cộng đồng từ những hành động của mình. Các bạn trẻ nên học hỏi và chia sẻ lẫn nhau vì tất cả mọi người trên thế giới này đều khác nhau và chúng ta học được từ họ những điều khác nhau đó.
Không có ai là hoàn hảo và đừng bao giờ ngừng lại việc học. Tuổi trẻ nên chấp nhận những thách thức để vượt qua chính mình. Đừng sống trong “vỏ bọc” của bố mẹ quá nhiều vì mỗi chúng ta đều có ước mơ và hãy đứng lên một mình để thực hiện ước mơ đó.
Sản phẩm mới cho du lịch Huế
Những năm qua, Hương Liên – cái tên đến từ Việt Nam – trở nên quen thuộc tại các diễn đàn dành cho các lãnh đạo trẻ trong khu vực như: ASEAN Leaders (Malaysia), World Village (Indonesia), Global Startup Youth ASEAN (Malaysia), Asean – Japan Youth Forum (Indonesia)…
Ngoài ra, Liên cũng là đại diện của Việt Nam tham dự các diễn đàn quốc tế về doanh nghiệp xã hội, nhiều sáng kiến của Liên đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận như mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tặng xe đạp cho học sinh vùng sâu, vùng xa, cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo…
Theo một vị lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, sở đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của Hương Liên khi tạo ra một sản phẩm du lịch mới cho Huế. Đây là loại hình du lịch đang được du khách ưa chuộng trên thế giới vì tạo nên sự gắn kết giữa du khách với cộng đồng.
Ngoài ra, Liên cũng tạo cơ hội để những sinh viên sắp ra trường ở các chuyên ngành kinh tế, du lịch, ngôn ngữ… đã có nền tảng tiếng Anh được tham gia tour, vừa có thu nhập lại được thực hành ngôn ngữ với du khách.
Leave a Reply