Bà mẹ khởi nghiệp chỉ vì mong muốn chữa bệnh cho con
Trên thế giới còn ghi nhận trường hợp phụ huynh khởi nghiệp bởi không tìm được thuốc chữa bệnh cho con mình.
Bắt đầu kinh doanh khi đã ngoài 40 tuổi là công việc khó khăn và tiềm ẩn rủi ro. Bà Gail Federici có quyết định này sau khi nghe bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh tim của một trong hai đứa con sinh đôi.
Federici cho biết: “Tôi có một cặp sinh đôi 3 tuổi, một trong hai đứa bị bệnh tim bẩm sinh. Bệnh này tốn nhiều chi phí thuốc thang và phẫu thuật, thời gian đó, tôi luôn nghĩ làm thế nào để có thật nhiều tiền cứu con, tôi nghĩ mình phải khởi nghiệp vì cuộc sống của các con tôi phụ thuộc vào đó”.
Thương hiệu chăm sóc sắc đẹp John Fried ra đời, mang tới niềm hy vọng cho bà mẹ yêu con. Thời gian đầu công ty thành lập, bà luôn sống trong nỗi sợ vô hình, sợ công ty phá sản. Bà nhớ lại: “Nếu như điều tồi tệ đó xảy tới, ngoài món nợ lớn về tiền bạc, tôi sẽ mắc nợ với tương lai của chính con mình. Vì vậy, chúng tôi luôn trong tư thế đối mặt với những biến cố xảy tới, có lẽ chính điều đó đã giúp công ty phát triển như hiện tại”.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp – lĩnh vực khiến bà cảm thấy tự tin. Nhưng điều đó vô tình khiến Federici càng thêm áp lực, giờ đây, bà sợ thất bại với tư cách người mẹ và sợ thất bại với ước mơ.
Tuy nhiên, càng làm, bà có thêm động lực và niềm tin vào con đường đang chọn. Trong vai trò nhà đồng sáng lập, Federici giúp công ty sản xuất nhiều thương hiệu mỹ phẩm cho phái đẹp (chủ yếu là kem dưỡng da, kem bôi mặt, phấn trang điểm…) được thị trường đón nhận. Gần đây, trang Inc đưa tin, Gail Federici bán công ty với giá 450 triệu USD.
Trên thế giới còn ghi nhận trường hợp phụ huynh khởi nghiệp bởi không tìm được thuốc chữa bệnh cho con mình.
The Wall Street Journal đăng tải cuối năm 2014, Brad Margus – nhà sáng lập công ty chuyên sản xuất thuốc tại Mỹ khởi nghiệp với lý do chưa có loại thuốc đặc trị chữa bệnh cho con. Theo Margus, thay vì tin vào phép màu, ông cần hành động để nỗ lực giữ mạng sống cho những đứa con thân yêu.
Brad Margus và hai con trai. Ảnh: The Wall Street Journal.
Hai đứa con trai của ông, một đứa 14 tuổi bị chứng rối loạn cơ, một đứa 6 tuổi mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa chết người – Sanfilippo. Đứng trước tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, người cha 54 tuổi bắt tay vào khởi nghiệp với hy vọng phương pháp ông nghiên cứu sẽ mang lại tác dụng.
Khởi nghiệp với hàng nghìn nỗi sợ mang tới cho những nhà sáng lập sự cẩn trọng đáng kinh ngạc. Trường hợp của bà Federici và ông Margus đều có điểm chung là sự sợ hãi thất bại. Bởi hơn bất cứ điều gì, startup của họ cần thành công để con họ có hy vọng sống. Như Federici từng nói: “Phải làm chủ sự sợ hãi trước khi nó làm chủ bạn, nên biết cách sử dụng sự sợ hãi để làm động lực tiến về phía trước”.
Leave a Reply